Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Thế nào là phát triền bền vững

Trong quá trình phát triển hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, các nhu cầu của con người lại luôn tạo nên sự mâu thuẫn gần như không sao khắc phục được. Ví dụ, con người ta cần không khí sạch để thở nhưng đồng thời lại rất cần ô tô để đi lại, cần có củi để sưởi nhưng lại rất cần rừng để bảo vệ đất khỏi xói mòn và chống nước mặn xâm nhập hoặc các doanh nghiệp luôn cần sử dụng lao động với giá rẻ lại không có tiếng nói chung với những công nhân luôn cần được trả lương cao để có thể sống tốt hơn… Nếu mở rộng phạm vi ra một cộng đồng, một thành phố, một đất nước hay cả hành tinh này, điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia được công nghiệp hoá lại gây ra những trận mưa axít nguy hiểm cho các sông ngòi, hồ ao của các nước khác?


Vấn đề đặt ra là loài người sẽ quyết định ra sao nếu trong bản thân họ lại luôn có những nhu cầu đối lập, mâu thuẫn nhau? Nhu cầu của ai sẽ được đáp ứng? Của người giàu hay người nghèo? Của công dân nước mình hay những người di tản từ nước khác đến? Của dân đô thị hay nông thôn? Dân nước này hay nước khác? Của ta hay là hàng xóm? Môi trường hay doanh nghiệp? Thế hệ này hay thế hệ sau?… Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi phải thoả hiệp để cân bằng các nhu cầu đối lập nhau? Những người quan tâm đến phát triển cho rằng việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai luôn phụ thuộc rất nhiều vào cách mà thế hệ hiện tại cân bằng các mục tiêu phát triển xã hội, kinh tế và môi trường. Sự cân bằng các nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường trong việc ra quyết định của một thế hệ sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đáp ứng các nhu cầu phát triển của các thế hệ tiếp theo.

Theo cách đặt vấn đề như vậy, việc ra đời một khái niệm mới, khắc phục sự phiến diện của “tăng trưởng kinh tế” hay “phát triển” là vô cùng cần thiết. Điều quan trọng là phải đưa ra được một định nghĩa thật đơn giản về phát triển bền vững và một khuôn khổ các điều kiện tối thiểu để phát triển mang tính bền vững – những điều kiện mà sự tồn tại của chúng dựa trên cơ sở tồn tại bền vững của các nguồn dự trữ thiên nhiên theo thời gian. Nguồn dự trữ thiên nhiên ở đây là nguồn dự trữ của tất cả các nguồn lực tài nguyên môi trường và tự nhiên, từ dầu mỏ dưới lòng đất đến chất lượng đất và nước ngầm, từ nguồn dự trữ cá dưới đại dương đến khả năng của trái đất tái sinh và hấp thụ các-bon… Khái niệm “phát triển bền vững” xuất hiện trong phong trào BVMT từ những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ XX, từ đó đến nay đã có nhiều định nghĩa về phát triển bền vững được đưa ra, như:

– Phát triển bền vững là sự phát triển kinh tế – xã hội lành mạnh, dựa trên việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và BVMT, nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng bất lợi cho các thế hệ mai sau.

– Phát triển bền vững là sự phát triển kinh tế – xã hội với tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong thời gian dài dựa trên việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên mà vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái. Phát triển kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện tại, song không làm cạn kiệt tài nguyên, để lại hậu quả về môi trường cho thế hệ tương lai.

– Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm thương tổn đến khả năng của các thế hệ tương lai đáp ứng nhu cầu của họ.

– Về mặt kinh tế: Một hệ thống bến vững về kinh tế phải có thể tạo ra hàng hoá và dịch vụ một cách liên tục, với mức độ có thể kiểm soát của chính phủ và nợ nước ngoài, tránh sự mất cân đối giữa các khu vực làm tổn hại đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

– Về mặt xã hội: Một hệ thống bền vững về mặt xã hội phải đạt được sự công bằng trong phân phối, cung cấp đầy đủ các dịch vụ xã hội bao gồm y tế, giáo dục, bình đẳng giới, sự tham gia và trách nhiệm chính trị của mọi công dân.

– Về môi trường: Một hệ thống bền vững về môi trường phải duy trì nền tảng nguồn lực ổn định, tránh khai thác quá mức các hệ thống nguồn lực tái sinh hay những vận động tiềm ẩn của môi trường và việc khai thác các nguồn lực không tái tạo không vượt quá mức độ đầu tư cho sự thay thế một cách đầy đủ. Điều này bao gồm việc duy trì sự đa dạng sinh học, sự ổn định khí quyển và các hoạt động sinh thái khác mà thường không được coi như các nguồn lực kinh tế.
nguồn: luanvanaz.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét